NHỮNG YẾU TỐ CỐT LÕI ĐỂ CÓ ĐƯỢC ẤM TRÀ NHƯ Ý

Uống trà từ lâu đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Việt. Có người thích pha trà theo kiểu cầu kỳ, công phu, có người lại thích pha trà theo phong cách đơn giản, hiện đại hơn, miễn sao giữ được hồn trà, nét tinh túy của từng loại trà khi pha. Một tách trà ngon làm đẹp lòng người thưởng thức, vui lòng người cất công pha, là lời mời, cái lễ đủ đầy khi nhà có khách. Dù bạn pha trà theo phong cách nào thì những yếu tố cốt lõi như nhiệt độ, lượng trà, thời gian hãm trà cũng đều vô cùng quan trọng.

 

Những yếu tố cốt lõi bạn cần chú ý khi pha trà: nhiệt độ nước, lượng trà và thời gian hãm trà.

 

1/ Nhiệt độ nước pha

 

Ô long, trà xanh, bạch trà hay trà đen có nhiệt độ pha khác nhau để đánh thức được hương vị thơm ngon nhất.

 

Bất cứ ai yêu thích và có tìm hiểu về trà hẳn cũng đã quen với câu nói “nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”. Điều này phản ánh cho yếu tố quan trọng đầu tiên: nhiệt độ nước pha. Khi pha trà, nhất thiết phải dùng nước nóng, nhưng mỗi loại trà khác nhau cần chú ý một chút về nhiệt độ mới có thể đánh thức, khai mở được vị trà ngon nhất. Nước sôi giúp tanin, axit amin, các hợp chất cũng như hương vị lá trà được giải phóng.

Nước sôi già (trên 90 độ C) chỉ thật sự phù hợp cùng trà đen hoặc Ô long lá già, các loại Phổ Nhĩ, các loại trà lên men cao như Đại Hồng Bào, Đông Phương Mỹ Nhân do đây là những loại trà cần nhiệt độ thật cao để phá vỡ kết cấu, thúc đẩy nhanh được quá trình lan tỏa hương vị vào nước pha. Nếu nước có nhiệt độ quá thấp sẽ làm hương vị không mạnh, các hợp chất không có được đủ yếu tố xúc tác để hòa tan, trà pha ra không tròn vị, nhạt nhòa. Đối với một số loại trà như trà xanh nhiều lá, bạch trà và Ô long nụ mềm nên được pha ở nhiệt độ 80 – 90 độ C. Các loại trà xanh nhiều búp non có thể pha ở mức 70 – 80 độ C. Các loại trà cũ hơn cũng nên sử dụng nhiệt độ nước cao hơn một chút so với trà mới.

 

Chọn đúng nhiệt độ giúp lá trà được đánh thức, khai mở, cân bằng được vị trà.

 

Bạn có thể quan sát nước sôi như sau:

  • - Giai đoạn đầu: nước bắt đầu xuất hiện các hạt nước nhỏ li ti, thấy có hơi nước bốc lên nhẹ nhàng

  • - Giai đoạn 2: bong bóng nước lớn dần lên, hơi nước nhiều, có thể nghe rõ tiếng reo của nước. Khởi đầu giai đoạn này thích hợp cho các dòng trà xanh hay bạch trà, lúc sau thích hợp cho các loại lá cuộn.

  • - Giai đoạn 3: bong bóng nước lớn, tạo thành những đợt sóng nước dữ dội, mạnh mẽ, có thể pha với trà đen hoặc Phổ Nhĩ.

Nếu muốn chính xác hơn, có thể dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ nước bạn nhé.

 

2/ Lượng trà

 

Trong những lần pha trà đầu tiên, bạn có thể sử dụng cân để đong định lượng cho chính xác nhất.

 

Yếu tố quan trọng thứ hai sau “nhất ấm” là ở “nhì trà” – loại trà và lượng trà khi pha. Nhiều người có thói quen uống trà rất đậm do đó cũng thiếu đi yếu tố cân bằng của trà và nước. Trà đậm gây lãng phí trà kèm theo vị đắng đậm, uống nhiều và thường xuyên cũng không hề tốt cho sức khỏe. Quá ít trà thì hương vị lại yếu, không đủ chất lượng để thưởng thức. Bạn nên cân nhắc giữa sở thích và định lượng tiêu chuẩn của từng loại trà khi pha nhé. Bạn có thể thử 05G trà cùng 200ml nước sôi (bạch trà), 10G trà cùng 100ml nước sôi (trà xanh, Ô long). Trong quá trình pha, từ từ điều chỉnh và gia giảm sao cho đạt được khẩu vị ưng ý nhất.

 

3/ Thời gian hãm trà

 

Thời gian hãm khác nhau cho từng loại trà. Bạn cũng không nên ngâm trà vì làm lãng phí chất trà, gây đắng, chát.

 

Rất nhiều người có thói quen ngâm trà lâu trong ấm tạo nên vị đắng đậm, dễ có mùi nẫu. Tương tự như nhiệt độ, mỗi loại trà đều có thời gian hãm khác nhau. Với đúng thời gian này, các hợp chất trong trà mới tiết ra cân bằng nhất. Hãm trà lâu chỉ gây lãng phí chất trà mà không hề giúp trà ngon hơn. Thời gian hãm có thể dao động từ 10 – 25 giây tùy theo từng loại trà. Sau khi hết thời gian hãm, bạn cần rót hết toàn bộ nước trà từ ấm ra tống hoặc chén và thưởng thức khi trà còn ấm nóng thay vì uống lúc trà đã nguội hoàn toàn.

Các bước pha trà lần lượt gợi ý cho bạn:

  • - Làm nóng ấm chén trước khi pha: sử dụng nước sôi già để tráng sơ qua ấm, tống và các chén trước khi bắt đầu pha

  • - Đánh thức trà: sử dụng nước sôi 100 độ C đổ ngập lá trà, đổ nhanh đi hết (không ngâm sẽ làm lãng phí hết chất trà). Bước này giúp tạo bước đệm để trà được khai mở vị hoàn hảo khi pha.

  • - Rót một lượng nước sôi vừa đủ với định lượng trà vào ấm, chú ý nhiệt độ cho từng loại trà, ngâm trong khoảng thời gian thích hợp rồi đổ toàn bộ trà ra để thưởng thức.

  • - Hãm trà lần tiếp theo: lặp lại bước hãm trà và rót trà ra hết để thưởng thức như trên. Trung bình, trong một lần pha, trà có thể uống 4 – 5 lần nước. Khi nào cần uống bạn mới tiến hành hãm trà nhé, nếu không lá trà sẽ rơi vào tình trạng bị ngâm, vừa đậm gắt vừa nguội, không ngon.

  •  

Luyện tập thường xuyên có thể giúp bạn tìm được các bước pha hợp lý và khẩu vị hoàn hảo.

 

Và tất nhiên, để pha được trà thưởng thức ngon cần phải luyện tập thường xuyên thay vì chỉ đọc lý thuyết. Việc thực hành liên tục còn giúp bạn “nhạy cảm” hơn với các loại trà, biết được đâu là thời điểm thích hợp, thời gian hợp lý, thao tác pha trà cũng chuyên nghiệp và khéo léo hơn, đặt hết tâm trí, tinh thần vào từng khâu thật tỉ mẩn.

 

 

 

Bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn