Trà Tân Cương (hay chè Tân Cương – theo cách gọi phía Bắc) là một trong những thương hiệu trà nổi tiếng nhất của Việt Nam. Người đời có câu: “Trà Thái, gái Tuyên” để chỉ người con gái đẹp của đất Tuyên Quang và thức trà đặc sản ngon trứ danh của vùng trồng Thái Nguyên phía Bắc.
“Thoang thoảng hương cốm bay
Búp xanh non như ngọc
Chè Thái nguyên ngọt giọng
Ấm lòng khách tri âm”
Trà Tân Cương Thái Nguyên là một trong những thức trà nổi tiếng nhất Việt Nam.
Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ 2 cả nước sau Lâm Đồng về diện tích trồng trà. Trong đó, vùng trà Tân Cương không chỉ gói gọn tại xã Tân Cương – Thái Nguyên mà còn bao gồm cả vườn trà của các xã xung quanh như Phúc Trìu và Phúc Xuân (theo đăng ký chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu trà Tân Cương tại Việt Nam vào tháng 10 năm 2007). Nơi đây được trải dài bởi các nương trồng trà bao la bát ngát, xanh ngút tầm mắt, thuộc vùng trung du bán sơn địa. Vùng trà Tân Cương được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều điều kiện thuận lợi: nằm tại chân dãy núi Tam Đảo, 13km về phía Tây của thành phố Thái Nguyên, tựa như một thung lũng đón gió ẩm từ Đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc thổi đến, thừa hưởng chất đất màu mỡ và ánh sáng tự nhiên cho cây trà sinh sôi, phát triển.
Thuộc vùng trung du bán sơn địa, Tân Cương - Việt Nam nằm ở chân dãy núi Tam Đảo. Ảnh: Wikipedia.
Theo tương truyền, ông Vũ Văn Việt (1883 – 1945) là người đã có công mang cây trà từ Phú Thọ về Thái Nguyên. Sau nhiều năm, cây trà lan rộng, phát triển cường thịnh tại đây, trở thành giống cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh đến tận ngày nay.
Trà Tân Cương hay Thái Nguyên hiện nay vẫn được làm theo phương pháp thủ công truyền thống là chính. Đối với những ai yêu trà Bắc hoặc trót đem lòng say đắm những thức trà đặc sản Việt Nam, chắc chắn đã một lần nhấp thử Thái Nguyên xanh của vùng Tân Cương. Trà thường có màu xanh đen, cánh trà xoăn chặt, gọn nhỏ, trên bề mặt thường có một lớp phấn trắng. Nước trà khi pha ra rất xanh, trong trẻo, có màu vàng nhạt, sánh đẹp. Vị trà chát ngọt, dễ chịu, hài hòa, không đắng mà đượm vị, đậm đà, sau khi uống cho được hậu vị rất ngọt ngào và bền lâu. Hương thơm trà lại gần như mùi cốm mới hoặc cỏ non (phụ thuộc chủ yếu vào quá trình chế biến trà vô cùng tỉ mỉ và công phu). Không chỉ được người trong nước yêu chuộng, trà Tân Cương Thái Nguyên hiện nay còn được xuất khẩu đi rất nhiều nước như Đài Loan, Pakistan, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông…
Trà Thái Nguyên nổi tiếng với vị trà chát ngọt, đậm đà và hậu vị vô cùng sâu lắng.
Để có được tách trà ngon cần phải tốn nhiều công sức và cần đến sự tỉ mỉ trong từng khâu chế biến.
Để có được thức trà ngon như vậy búp trà cần phải trải qua một quá trình dài thu hái và chế biến, chủ yếu dựa vào kỹ thuật và phương pháp đã được truyền đi truyền lại qua nhiều thế hệ cha ông. Người dân thường hái trà rất non, phần lớn là các loại trà 1 tôm hoặc 1 tôm 2 lá, cả khi hái đến lá thứ 3 thì trà vẫn non.
Trà được thu hái thủ công hoàn toàn, đựng trong các giỏ tre và mang về nhà máy để chế biến.
Trà sau khi mang về, trà được bảo quản tốt và đưa ngay xuống xưởng hay nhà máy để đưa vào quy trình chế biến. Trà phải được làm héo hoặc phơi khô bớt bằng cách rũ cho tơi và dàn trải trên các nong tre, còn gọi là quá trình “làm héo lá trà”. Sau đó là đến các bước xào diệt men (phải đảm bảo nhiệt độ và lượng trà được đảo và hết sức nhịp nhàng). Tiếp tục lại mang trà ra nong dàn trải để làm nguội bớt, rồi đem đi vò. Ở bước vò, người nghệ nhân phải hết sức cẩn thận sao cho lá trà được xoắn chặt đẹp mắt mà ít bị dập nát nhất, giữ trọn được hương vị thơm ngon của trà khi tạo thành thành phẩm. Sau khi vò xong, lá trà lại được đem đi sao để làm khô, thường là sao từ 2 cho đến 4 lần.
Lựa chọn trà Thái Nguyên ngon cần xem xét nhiều yếu tố cả về chất lượng lẫn xuất xứ.
Theo kinh nghiệm của những người chuyên uống trà lâu năm, Thái Nguyên ngon phải có màu nước xanh ánh vàng tựa như màu vàng mật ong, cánh trà có hình móc câu cong cong, đều đặn, không nát, nhìn thẳng màu đen, nhìn nghiêng có chút ánh xanh, uống vào phải cho được vị đậm đà, bùi bùi, ngầy ngậy của thực vật, thoảng chút hương cốm. Lúc mới uống có vị chát êm, uống xong nghe ngọt lại nơi cuống họng rất lâu. Sau một vài chén trà, cảm thấy người sảng khoái, tỉnh táo, nhẹ nhàng, thanh thoát hơn hẳn.
Bên cạnh đó, tùy theo nhu cầu của bạn để lựa chọn trà nõn tôm, trà đinh hay trà búp cho phù hợp. Những loại này chủ yếu được phân theo chất lượng hái của nguyên liệu đầu vào. Trong đó, trà Đinh hay Đinh Ngọc là loại xuất sắc nhất trong tất cả, đi kèm giá bán đắt đỏ trên thị trường. Khi lựa chọn, cần quan tâm đến nguồn gốc, thương hiệu uy tín, các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm định chất lượng trà để đảm bảo có được trà ngon, đúng ý, đúng trà Tân Cương Thái Nguyên chất lượng.
Tại Dotea, chúng tôi luôn có 2 loại trà Thái Nguyên xanh phù hợp với sở thích của bạn trà gần xa. Trong đó, loại G671 được hái chỉ duy nhất phần nõn khi còn ngậm chặt như hình dáng cây đinh, thuộc hàng Trà Đinh thượng phẩm, chắc chắn sẽ bạn hài lòng về sự mềm mại, êm ái, hương cốm mới hảo hạng của trà. Giá bán: 199.000 Đồng/Lon 70G.
Trà xanh Thái Nguyên G671 Dotea - Giá bán: 199.000 Đồng/Lon.
Trà Thái Nguyên xanh lon thiếc 100G Dotea cũng được thu hái từ vùng Tân Cương – Thái Nguyên nhưng có độ chát cao hơn, do được hái 1 tôm 2 lá non, thích hợp với bạn trà thích sự đậm đà khi thưởng thức. Giá bán: 80.000 Đồng/Lon 100G.
Trà xanh Thái Nguyên lon thiếc 100G Dotea - Giá bán: 80.000 Đồng/Lon.
Ngày nay, khi đến vùng Tân Cương Thái Nguyên, du khách không chỉ đơn thuần là đến uống trà mà còn là thưởng cảnh, du ngoạn, cảm nhận cái ngút ngàn của cảnh vật, thiên nhiên nơi những cánh đồng trà xanh mướt, cảm nhận cái nồng ấm, chân tình của con người địa phương chất phác, thật thà, nụ cười hiền hậu rất Việt Nam. Dạo bước trên những đồng trà để cảm khái thiên nhiên đã thật khéo léo khi ban tặng cho mảnh đất này những điều kiện quá sức thuận lợi để tạo nên giống trà ngon, thu vào mình cái năng lượng của một sớm mai với sương sớm, ánh sáng, búp trà, ngắm nhìn vẻ đẹp lao động của những người nông dân đang thoăn thoắt tay hái.
Không chỉ là thức uống đặc sản, Thái Nguyên còn là vùng trồng trà thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh, phát triển kinh tế.
Với những hoạt động kết hợp theo hướng du lịch hóa bài bản, hy vọng trong thời gian tới, du lịch trải nghiệm tại những đồng trà nơi đây sẽ được đầu tư, đẩy mạnh và quảng bá ngày càng sâu rộng để thu hút thêm ngày càng nhiều lượt khách trong và ngoài nước, đồng thời góp phần đưa trà Tân Cương Thái Nguyên đến nhiều nơi trên thế giới hơn nữa.
Bình luận